Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Những ngày thứ ba với thầy Morrie [ebook]


Bài viết giới thiệu sách của tác giả Nguyễn Cảnh Bình:
Năm 1979, Mitch Albom tốt nghiệp đại học, nơi Morrie Schwartz từng là thầy giáo của anh rồi trở thành phóng viên khá nổi tiếng, và khá giàu. Kể từ khi ra trường, Mitch không gặp lại người thầy của mình.
Tháng 8 năm 1994, Morrie Schwartz phát hiện ra mình bị bệnh ALS – căn bệnh xơ cứng tế bào, không thể chữa được. Ông biết mình chỉ sống được không quá 2 năm nữa, nhưng ông không đầu hàng. Morrie Schwartz vẫn quyết tâm làm việc trong những ngày cuối cùng của mình.
Tháng 3 năm 1995, Ted Koppel, người dẫn chương trình “Đêm khuya” trên ABC, đã đưa Morrie lên màn hình trong chương trình “Khóa học cuối cùng của một giáo sư: Cái chết của ông”. Trong chương trình này, Morrie hài hước nói “Rồi một ngày nào đó sẽ phải có người chùi đít cho tôi”. Nhờ chương trình này, Mitch biết người thầy cũ của mình sắp ra đi, anh vội tới thăm thầy và từ đó, cứ đều đặn, sáng thứ 3 hàng tuần, Mitch tới để trò chuyện với ông về đủ mọi chủ đề của cuộc sống, và ghi lại mọi cuộc trò chuyện này.
Cuốn sách này chẳng khác gì một tập giáo trình giảng bài, dưới hình thức những cuộc trò chuyện giữa hai con người về ý nghĩa và mọi chủ đề trong cuộc sống. Bạn đọc sẽ thấy ở đây những chủ đề như về sự hối tiếc, về hôn nhân và hạnh phúc, về tuổi già, về tiền bạc, và về sự tha thứ…
“Lớp học cuối cùng trong đời thấy giáo cũ của tôi diễn ra mỗi tuần một lần ở nhà thầy, bên cửa sổ, trong thư phòng, nơi thầy có thể ngắm cây dâm bụt nhỏ đang rụng những cánh hoa màu hồng. Lớp học vào những ngày thứ Ba, bắt đầu sau bữa điểm tâm. Chủ đề là: Ý nghĩa cuộc sống, được giảng bằng kinh nghiệm.
Không cho điểm, nhưng có kiểm tra vấn đáp. Sinh viên phải trả lời những câu hỏi và phải đặt những câu hỏi của riêng mình…
Không cần sách, dù nhiều chủ đề được đề cập, bao gồm: tình yêu, công việc, cộng đồng, gia đình, tuổi tác, sự tha thứ, và cuối cùng là cái chết. Bài giảng cuối cùng này ngắn gọn chỉ vài từ
Một đám tang cử hành thay cho lễ tốt nghiệp.
Dù không có kỳ thi tốt nghiệp, sinh viên vẫn phải viết một bài dài về những điều đã được học: bài viết đó được giới thiệu ở đây…” (tr. 13)
“Ai cũng biết mình đang đi đến cái chết, nhưng không ai tin là thế. Nếu ta tin là thế, ta sẽ xử sự khác đi.
…Nhận thức được ta đang đi đến cái chết, ta sẽ chuẩn bị tư tưởng đón nhận nó bất cứ lúc nào. Mà như vậy thì ta càng dấn sâu vào cuộc sống ta đang sống
…Sự thực à: một khi ta đã học được chết ra sao, thì ta cũng học được chết thế nào” (tr. 105)
“…Thầy nói – có một số qui tắc tôi biết về tình yêu và hôn nhân…Nếu không cùng một số giá trị chung về cuộc đời, thì mình sẽ có nhiều phiền phức. Những giá trị của hai người phải giống nhau. Và giá trị lớn nhất trong những giá trị ấy là gì, Mitch?
- Là gì ạ?
- Niềm tin vào tầm quan trọng của hôn nhân.
- …Riêng cá nhân tôi, thầy thở dài, mắt vẫn nhắm, tôi nghĩ hôn nhân là điều rất quan trọng phải làm, và người ta sẽ thiếu hụt khủng khiếp nếu không thử nó”.
Thầy kết thúc chủ đề này bằng dẫn chứng bài thơ thầy tin tưởng như một lời cầu nguyện “Nếu không yêu nhau thì sẽ lụi tàn”. (tr. 185)
“Hãy tha thứ cho mình trước khi chết, rồi tha thứ cho người khác” (Trang 202)
Chỉ tiếc rằng về phần dịch, đôi chỗ tác giả đã có thể hoàn thiện hơn, và có thể trau chuốt hơn. Ví dụ như nên dùng “sư phụ” thay cho “huấn luyện viên”, sẽ gần gũi hơn với bạn đọc Việt Nam. Mặc dù Tuesdays With Morrie là cuốn sách best seller ở Mỹ, nhưng ở Việt nam, bản dịch Những ngày thứ Ba với Thầy Morrie chỉ được in 500 bản. Nhưng dù sao, điều quan trọng không phải số lượng bản in mà chất lượng bên trong nó.
Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Download ebook    Tại đây
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét:

Hãy để lại nhận xét một cách văn minh nhé !!!