Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Thế giới tương lai
Trích trong truyện ngắn Giấc mơ của một kẻ nực cười,  Fyodor Dostoevsky, 1877

Bỗng nhiên, tình cờ tôi thấy mình đang đứng ở một trái đất khác trong ánh nắng rạng rỡ của một ngày đẹp như trên thiên đường. Ôi chao, mọi thứ giống hệ như ở trái đất nhưng dường như chúng đang có lễ hội, mọi thứ tỏa ra niềm vui sướng hân hoan thần thánh. Biển êm đềm xanh biếc nhẹ nhàng vỗ sóng, ôm lấy bờ với tình yêu tha thiết và ý thức. Những cái cây cao và đẹp đứng đó nở tràn hoa, và tôi chắc chắn rằng vô số những chiếc lá của chúng đang đón chào tôi với những tiếng rì rào như những lời yêu thương. Bãi cỏ lấp lánh với những đóa hoa đang tỏa hương. Những chú chim nhỏ từng đàn đang bay trong không trung, và như chúng không sợ tôi, đậu xuống vai và tay tôi vui vẻ vỗ những chiếc cánh nhỏ vào tôi.
Và cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy và biết đến con người của miền đất hạnh phúc đó. Họ tới chỗ tôi vây quanh và ngắm nhìn tôi. Những người con của mặt trời. Ôi, họ đẹp biết bao. Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp này ở con người trên trái đất. Có lẽ chỉ ở những đứa trẻ nhỏ mới có thể tìm thấy sự phản chiếu xa của vẻ đẹp đó. Đôi mắt họ lấp lánh ánh rạng rỡ. Khuôn mặt họ tỏa ra sự thông tuệ và ý thức dường như đã đạt đến mức bình yên nhờ đầy hiểu biết. Khuôn mặt họ rất vui vẻ, hân hoan, niềm vui trong sáng trẻ thơ thể hiện trong lời nói và giọng nói nơi họ.
Từ cái nhìn đầu tiên vào khuôn mặt họ, tôi như ngay lập tức hiểu được tất cả. Đây là một thế giới không bị vẩn đục bởi cái xấu, sống trên đó là những con người không làm điều xấu. Họ sống trong một thiên đường tương tự như nơi mà theo truyền thuyết của toàn nhân loại, ông cha ta đã sống trước khi sa vào tội lỗi, ngoại trừ một điều rằng cả thế giới đều là một và là Thiên đường. Những con người này cười vang vui vẻ bao quanh tôi và nâng niu tôi. Họ đưa tôi về nhà họ và mỗi người đều cố gắng trấn an tôi. Họ không hỏi han tôi nhưng tôi thấy dường như họ hiểu hết mọi thứ và họ cố gắng làm tiêu tan đi nhanh chóng nỗi đau khổ lộ trên nét mặt tôi.
Những cảm nhận về tình yêu của những con người trong sáng và đẹp đẽ này mãi mãi ở trong tôi và tôi cảm thấy rằng tình yêu của họ từ đó thậm chí đến giờ vẫn dành cho tôi. Chính tôi đã nhìn thấy họ, đã biết họ và tôi trở nên nhận thức rằng tôi yêu họ và tôi đau khổ vì họ.
Ngay lúc đó tôi hiểu rằng trong nhiều khía cạnh tôi không nên hoàn toàn hiểu họ. Điều này dường như không thể tin được, ví dụ rằng họ những người biết rất nhiều, không có khoa học của chúng ta. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng kiến thức của họ được mở rộng và khác với những khám phá khác với trái đất của chúng ta, và khao khác của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Họ không có những ham muốn và họ rất bình thản. Họ không khao khát kiến thức cuộc sống như chúng ta cố gắng hiểu nó vì cuộc sống của họ đầy đủ, viên mãn. Tuy nhiên, kiến thức của họ sâu sắc hơn và cao hơn kiến thức của nền khoa học chúng ta. Kể từ khi những thế hệ sau tìm cách giải thích cuộc sống là gì, bản thân khoa học đã tìm cách nhận thức nó để dạy người khác sống thế nào, thì những con người này lại biết sống như thế nào thậm chí không cần đến khoa học, điều này thì tôi hiểu. Tôi không thể thiểu được kiến thức của họ. Họ chỉ cho tôi những cái cây còn tôi không hiểu được giới hạn của tình yêu mà họ dành cho chúng, như thể họ đang trò chuyện với những người thân của mình. Và bạn biết không, có lẽ tôi không nhầm khi nói rằng họ đã trò chuyện với chúng. Vâng, họ đã phát hiện ra ngôn ngữ của chúng và tôi chắc rằng những cái cây cũng hiểu họ.
Cũng theo cách đó họ nhìn thế giới tự nhiên, những con vật sống hòa bình với họ và không bao giờ tấn công họ, chúng yêu quí những con người ấy, họ đã chinh phục chúng bằng tình yêu thương. Họ chỉ về những vì sao và nói với tôi điều gì đó mà tôi không hiểu được, nhưng tôi chắc rằng họ giao tiếp với những vì tinh tú theo một cách nào đó, không chỉ qua ý nghĩ mà còn qua một đường truyền sống động…
Họ rất hoạt bát vui vẻ như những đứa trẻ. Họ dạo chơi trong những khu rừng nhỏ tuyệt đẹp, hát những bài hát đáng yêu, họ sống dựa vào những thực phẩm nhẹ nhàng, hoa trái từ cây của họ, mật ong từ trong rừng và sữa từ những loài vật yêu quí họ. Họ lao động nhưng ít mà nhẹ nhàng để có thức ăn và quần áo. Họ được phú cho tình yêu và trẻ con được sinh ra, nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ có những ham muốn nhục dục tội ác, thứ mà tác động đến tất cả mọi người trên trái đất và là nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi loài người. Họ vui mừng đón những đứa trẻ mới sinh ra như những người tham gia vào thế giới hạnh phúc ấy. Họ không bao giờ cãi nhau và không hề có sự ghen tỵ giữa họ, và thậm chí không hiểu những thứ đó nghĩa là gì. Những đứa con của họ đều là con chung bởi chúng tạo nên một gia đình. Không có bệnh tật cho dù có cái chết. Tuy nhiên, những người già qua đời một cách nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ, xung quanh là mọi người nói lời tạm biệt họ, cầu phước cho họ để họ ra đi với nụ cười thanh thản, rồi xuất thần nhưng là trạng thái xuất thần điềm tĩnh và trong thiền định. Họ có thể hình dung rằng họ sẽ vẫn tiếp tục liên hệ được với người chết thậm chí lâu sau khi họ chết và mối liên lạc trần tục của họ không thể bị ngăn cách bởi cái chết.
Họ rất tin một cách không thể giải thích được vào cuộc sống vĩnh hằng đến nỗi không cần đặt câu hỏi về nó. Họ không có đền thờ nhưng trong họ có sự liên hệ hợp nhất, thường hằng với toàn bộ vũ trụ. Họ không có tín ngưỡng, mà có hiểu biết chắc chắn rằng khi niềm vui trần thế của họ đã đạt đến giới hạn của bản chất trần thế, thì họ sẽ có được một mối liên hệ viên mãn vĩ đại với cả vũ trụ, về cả sự sống lẫn cái chết. Họ mong chờ khoảnh khắc đó với niềm sướng vui không vội vã, không đau khổ mà thuận theo tự nhiên, và có vẻ như họ đã dự cảm được từ trước giờ phút đó trong trái tim mình và họ nói điều đó với nhau.
Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, họ thích hát đồng ca. Trong những bài hát này họ thể hiện những tình cảm cho một ngày vừa qua, ca ngợi nó và tạm biệt nó. Họ ca ngợi tự nhiên, trái đất và biển cả núi rừng. Họ thích sáng tác ra những ca khúc về nhau. Họ khen ngợi nhau như những đưa trẻ. Đó là những bài hát giản dị nhất nhưng chúng xuất phát từ trái tim và đi đến trái tim. Và không chỉ trong các ca khúc mà dường như là họ yêu mến nhau trong suốt cả cuộc đời. Đó là một niềm say mê chung, hoàn chỉnh và rộng khắp.

(nhóm dịch Hearts and Souls)

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Chiến thắng thật sự sau truyền thuyết 1 dặm 4 phút
Câu chuyện này không giống những câu chuyện bạn đã từng đọc.



Trong nhiều thập kỷ tranh giải Olympic, không vận động viên điền kinh nào có thể chạy hết 1 dặm trong 4 phút. Thực ra thì năm 1903, Harry Andrews, một huấn luyện viên Olympic người Anh đã tuyên bố kỷ lục 4 phút 12 giây 75 không thể nào bị phá vỡ. Và ông có lý do để cảm thấy điều đó là chắc chắn. Kỷ lục này do một vận động viên điền kinh người Anh, Walter George, thiết lập từ năm 1886, và mười bảy năm sau đó chưa hề có vận động viên nào đạt được dưới hai giây so với kỷ lục đó. Nếu kỷ lục này không thể bị phá, như Andrew nghĩ, thì 1 dặm trong 4 phút càng là một mục tiêu hoang tưởng cho bất kỳ ai muốn đạt được.

Cùng trong thời gian đó, các vận động viên cũng nghe những người được cho là chuyên gia ra rả các lý do ủng hộ cho sự khẳng định của vị huấn luyện viên nọ. Ngay cả cộng đồng y khoa cũng khuyến cáo các vận động viên rằng áp lực lên cơ thể trong việc cố gắn chạy một dặm trong 4 phút có thể gây hại cho cơ thể.

Mãi cho đến năm 1915 kỷ lục này, vốn đã được duy trì trong suốt hai mươi chin năm, mới bị phá vỡ. Tuy nhiên, kỷ lục 4 phút 12 giâu 6 cũng còn cách xa mức 4 phút. Thực ra thì kỷ lục gần với mức này được thiết lập năm 1945 khi Gunder Hagg người Thuỵ Điển chạm mức 4 phút 1 giây 3. Và kỷ lục này được duy trì trong gần một thập kỷ. Những vận động viên giỏi nhất thế giới đã đạt rất sát mức kỷ lục này, nhưng không ai có thể phá vỡ nó. Vì sao? Các nhà khoa học nói cơ thể con người không thể chịu nổi áp lực sinh ra khi chạy nhanh như vậy.

Tất cả đã thay đổi vào cái ngày một vận động viên trẻ tuổi người Anh tên Roger Bannister tuyên bố công khai là anh ta có thể chạy hết 1 dặm trong vòng 4 phút. Một năm trước đó, anh đã vô địch cự ly 1 dặm ở Anh và rất sẵn dàng cho giải Olympic. Thật không may, lịch thi đấu có những thay đổi ở phút cuối cùng nên anh không thể nghỉ ngơi giữa các lượt thi đấu, điều đó khiến anh phải về đích ở vị trí thứ tư và hứng chịu búa rìu của báo giới thể thao Anh – những người kết tội anh đã quay lưng với phương pháp huấn luyện và rèn luyện thông thường nên mới có thành tích thảm hại đến như vậy.

Đó là khi, bị thúc đẩy bởi những lời chỉ trích, vận động viên trẻ này phải cứu lấy danh dự của mình bằng việc lập nên một kỷ lục mới với cự ly 1 dặm. Nhưng không phải như các kỷ lục thông thường. Anh sẽ phá vỡ cái rào cản 4 phút gần như bất khả vượt qua đó. Mọi người – các chuyên gia thể thao, các cơ sở y tế, mọi người! – đều nghĩ chắc anh chàng này bị điên!

Sau nhiều trở ngại và thất bại, cơ hội đã đến với anh vào ngày 6 tháng 5 năm 1954, tại một lượt thi đấu ở Oxford, trong giải Liên Đoàn Thể Thao Không Chuyên Anh Quốc. Ngày hôm đó, anh đã làm nên điều bất khả. Anh chạy hết một dặm dưới 4 phút. Huyền thoại vỡ vụn. Kỷ lục không thể phá vỡ sụp đổ.

  Khi cuộc đua chưa bắt đầu, Chris Brasher dẫn đầu với Bannister ngay phía sau và người bạn, cũng là đối thủ của anh, Chris Chataway ở vị trí thức ba. Nửa dặm đầu tiên trôi qua sau 1 phút 58 giây. Sau hai vòng rưỡi, Brasher bắt đầu thấm mệt, Chataway vượt lên dẫn trước và Bannister mau chóng chiếm vị trí thứ hai. Sau ba phần tư dặm, cuộc đua hầu như trở nên dễ dàng hơn. Khi hồi chuông vang lên, báo hiệu vòng chạy cuối cùng, Bannister đã chạy hết 3 phút 0,7 giây và đám đông hò reo vang dội.

Bannister biết rằng nếu muốn đạt được mục tiêu, anh phải hoàn tất vòng chạy cuối cùng trong 59 giây. Chataway đang dẫn đầy ở khúc cua phía trước và cách đích đến 230 mét, Bannister chạy nước rút vượt lên dẫn đầu với sự bứt phá cuối cùng và lao về đích. Lúc đó anh đã chạy thục mạng. Anh biết rằng thời khắc của cả cuộc đời đang nằm trong tầm tay. “Cảm xúc lẫn lộn giữa sợ hãi và tự hào”, anh viết sau đó, có vẻ như là động lực duy nhất tiến lên – anh sợ nếu thất bại, sẽ không có một cánh tay nào nâng đỡ anh và cả thế giới sẽ trở thành một nơi lạnh lẽo, ngột ngạt, vì lần trước anh đã suýt chạm tới sự thất vọng đó.

Ở gần 150 mét cuối cùng, anh được tiếp sức từ sự gào thét, hy vọng và cổ vũ của đám đông trên sân Oxford , từ những người thiết tha mong anh chiến thắng. Mặc dù đã kiệt sức, anh vẫn cố gắng chạy, dưới sự thúc đẩy của sức mạnh ý chí và những năm tháng rèn luyện. Dải băng chỉ đích đến chỉ còn cách anh 5 mét nhưng lại trong có vẻ như đang lùi dần ra xa.

Trong cuốn The First Four Minute Mile, Bannister miêu tả nỗ lực không thể tượng tượng đã góp phần vào chiến thắng của anh. “Những giây cuối cùng dường như kéo dài vô tận. Cái dải băng mờ nhạt chỉ đích đến căng trước mắt tôi trông như nơi trú ẩn của sự bình yên, sau tất cả cố gắng. Tôi nhào tới cái dải băng như một người tung bước nhảy vọt cuối cùng qua một vực thẳm đang chực chờ nuốt chửng lấy anh ta. Mọi nỗ lực đã cạn kiệt và tôi ngã quỵ như bất tỉnh. Lúc đó chỉ có sự đau đớn ngập tràn trong tôi. Tôi cảm thấy một vầng ánh sáng chói loá bùng nổ, không còn thiết sống.”

Bình luận viên trên sân vận động, Norris McWhirter, khiến đáng đông sốt ruột bằng cánh câu giờ càng lâu càng tốt: “Kính thưa các quý bà quý ông, đây là kết quả của cự ly một dặm: R.G.Bannister, thuộc Liên Đoàn Thể Thao Không Chuyên, đã từng thuộc về trường Đại Học Exerter và Merton, Oxford, với kỷ lục được chạy và thi đấu mới, và với thời gian – đã được phê chuẩn – sẽ trở thành Kỷ Lục mới của người dân Anh, của Anh Quốc, của Châu Âu và của cả thế giới. Thời gian là ba phút…”

 Anh ấy đã thành công!

Sau khi Bannister nghiền nát kỷ lục này, các vận động viên điền kinh trên toàn thế giới đã nhìn ra được triển vọng. Trong vòng một năm, 37 vận động viên khác tiếp tục phá vỡ rào cản. Và trong năm tiếp theo, 300 vận động viên khác đã làm được điều này. Ngày nay, ngay cả các học sinh phổ thông cũng có thể chạy hết 1 dặm trong vòng 4 phút.

Khi được hỏi vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà có nhiều người cũng làm được điều đó, Bannister trả lời: “Đó không phải là hạn chế về thể chất mà là rào cản về tinh thần.” Những vận động viên này chỉ đơn giản gỡ bỏ những giới hạn đã nhiều năm giam giữ họ.

Rào cản tinh thần – chúng ta ai cũng có. Một số người trong chúng ta quyết định gỡ bỏ nó và giải phóng năng lực thật sự của mình, và bắt đầu làm được những gì mà trước đây từng bị coi là những điều bất khả. Và bạn cũng có thể làm như vậy. Tất cả những gì bạn cần là xác định những niềm tin sai lầm đang kìm hãm mình, và thay thế nó với những tư tưởng và niềm tin có thể làm bạn mạnh mẽ và tự tin hơn.


~ Trích cuốn sách kinh điển Ngày xưa có một con bò, của Camilo Cruz, Ph.D. 

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Cha tôi đã dạy tôi về phi bạo lực như thế nào
Tôi 16 tuổi và sống chung với cha mẹ tôi ở học viện do ông nội tôi thành lập , cách Durban, Nam Phi 18 dặm , giữa các đồn điền trồng mía. Chúng tôi ở vùng quê xa , không có hàng xóm lân cận, nên hai chị em tôi và tôi lúc nào cũng háo hức để được đi vào thị trấn thăm bạn bè hoặc đi xem phim.



Một ngày nọ, cha tôi bảo tôi lái xe đưa ông tới thị trấn để tham dự một hội nghị diễn ra cả ngày, và tôi nhảy đã lên vì vui sướng, cuối cùng cơ hội đã đến. Khi tôi đi đến thị trấn, mẹ tôi đã cho tôi một danh sách các cửa hàng tạp hóa mà bà cần, vì tôi nguyên một ngày ở thị trấn nên cha tôi muốn tôi để ý đến một số việc, chẳng hạn như bảo dưỡng xe. Khi tôi chở cha tôi đến địa điểm  sáng hôm đó, ông dặn lại tôi : "Cha sẽ gặp con ở đây lúc 5pm và chúng ta sẽ về nhà cùng nhau."



    Manilal Gandhi, con trai thứ 2 của Mahatma Gandhi và là cha của Arun Gandhi



Sau khi hoàn thành nhanh chóng công việc của mình tôi đã đi thẳng tới rạp chiếu phim gần nhất. Tôi mải mê xem phim John Wayne quên mất thời gian. Lúc đó đã là 05:30 và tôi mới nhớ ra nhiệm vụ của mình. Tôi chạy như bay đến garage, lấy xe và vội vã lái xe đến nơi cha tôi đang đợi, lúc đó đã gần như 06:00. Ông lo lắng hỏi tôi: "Tại sao con đến muộn thế?" Tôi rất xấu hổ nếu nói rằng tôi trót xem phim mà quên mất việc đón ông. Tôi đã nói rằng , Xe chưa sửa xong nên tôi phải đợi, và đã không nhận ra rằng ông đã gọi đến garage. Khi ông biết tôi nói dối ông bảo : "Cha nghĩ đã có điều gì đó không ổn trong cách cha nuôi dạy con để con không đủ tự tin nói sự thật cho cha biết.. Và để tìm ra nguyên nhân cha sẽ đi bộ 18 dặm về nhà để suy nghĩ về điều này.



Và cha tôi trong bộ đồ comple, đi giày cuốc bộ về nhà trên con đường tối om ,gập ghềnh hầu  như không có đèn, Tôi không thể bỏ cha lại như thế được và tôi đã lái xe đi sau ông trong vòng 5.5h đồng hồ, xem cha tôi đã chịu đựng sự thương tổn chỉ vì một lời nói dối ngu ngốc của tôi


Từ đó về sau tôi quyết định không bao giờ nói dối một lần nữa. Tôi thường nghĩ về điều đó và tự hỏi, nếu ông đã trừng phạt tôi theo cách mà cha mẹ hay trừng phạt con cái thì liệu tôi có học được ra bài học hay không. Hành động phi bạo lực của cha tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi tưởng như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua.  Đóchính là  sức mạnh của phi bạo lực.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Chuyện về cái khố của thầy tu


Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ, vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc hai miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác. 


Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò. Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người đến làng giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.

Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.

Một hôm, sư phụ trở về không trông thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.

Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời, 'thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận'.
Sư phụ thở dài, 'xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?' 

Còn có phiên bản kể rằng, sau khi việc buôn bán thành công, thầy tu làm không xuể. Dân làng liền khuyên thầy tu rằng, hãy kiếm một người trông nom mọi việc, hoặc tìm một quản gia, hoặc lấy một cô vợ. Thế là thầy tu lấy vợ. Rồi sinh con. Rồi phải tìm thầy dạy học cho con... Và mỗi lúc một xa mục đích ban đầu.

Trong cuộc sống của ta cũng vậy, trên đường đời, việc này xảy tới rồi việc kia xảy tới, xem chừng rất hợp lí. Để rồi ta bị cái vòng cuộc sống cuốn trôi đi, mà quên đi mất mục đích, ước mơ ban đầu.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Chớ vội Phán xét ngay

Bác nông dân nọ có bốn người con trai. Bởi muốn các con ghi nhớ một điều rằng, trong cuộc sống chớ vội phán xét ngay, thế là bác liền bảo các con của mình lần lượt đi tìm một cây lê mọc ở rất xa. Người con cả ra đi vào mùa đông, người thứ hai mùa xuân, người thứ ba mùa hạ và người con út đi vào mùa thu. Khi tất cả đều đã ra đi và trở về, bác gọi các con lại và nói xem mình đã trông thấy gì.
Người con cả đáp rằng cái cây đó rất xấu và cong queo. Người con thứ hai phản đối ý kiến của anh mình nói rằng cái cây đó đang đâm chồi nảy lộc. Người con thứ ba cũng không đồng tình với hai anh, nói rằng cây nở đầy hoa và tỏa ngát hương thơm, và rằng đó là cảnh tượng lộng lẫy nhất mà mình từng thấy. Người con út phản đối cả ba anh, nói rằng cây đầy quả chín rụng, tràn đầy nhựa sống. Người cha liền giải thích cho các con rằng tất cả các con đều đúng, bởi mỗi người chỉ nhìn thấy cây lê đó trong một mùa mà thôi.

Bác bảo rằng ta chớ nên phán xét một cái cây, một con người nếu chỉ thấy trong một mùa, một đoạn đời, và rằng bản chất của họ, cũng như niềm vui và tình yêu đến từ cuộc đời này chỉ có thể đo được vào lúc cuối cùng, khi mọi mùa đều qua. Nếu ta bỏ cuộc lúc mùa đông, ta sẽ lỡ mất mùa xuân hứa hẹn, mùa hè tươi đẹp và lộng lẫy mùa thu.
                                                
Ghim vào lòng: Chớ để cho nỗi đau một mùa đánh hỏng đi niềm vui của những mùa khác. Chớ phán xét cuộc đời vì gặp chút khó khăn. Vượt qua gian khó và những tháng ngày tươi đẹp rồi sẽ tới. 

- Diệu Mai chuyển ngữ -

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Khoảng lặng Tâm hồn

Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông. Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài.
Ông hứa nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa. Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: 'Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành'.
Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: 'Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?'.
Cậu bé đáp: 'Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó'.
Đúng vậy, sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể sẽ tốt hơn so với một trí não luôn hoạt động.
Hãy để cho tâm trí của bạn những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn hàng ngày.
Và hãy xem, sự hiệu quả mà nó đem lại khi giúp bạn xây dựng cuộc sống hằng mong đợi của mình.
Theo Đất Việt